Friday, February 22, 2008

Anh hùng Nguyễn Đăng Lành

Nguyễn Đăng Lành sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.


Năm 13 tuổi, anh tham gia du kích địa phương, hoạt động cho lực lượng vũ trang của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ tháng 1 năm 1948,
anh theo dõi hoạt động của quân Pháp tại bốt Linh Xá, lấy đạn của Pháp
cho du kích, cung cấp số liệu, vị trí hỏa lực và cách phòng thủ của
quân Pháp, giúp xã đội có phương án đánh bốt. Từ tháng 8 năm 1948 đến
30 tháng 8 năm 1949, anh tham gia hoạt động liên lạc cho Ủy ban Kháng
chiến và Xã đội xã Nam Hưng, hướng dẫn các cán bộ vượt qua Quốc lộ 17 để hoạt động trong vùng tạm chiếm. Anh cũng tham gia rải truyền đơn trong vùng tạm chiếm, đánh quân Pháp trên Quốc lộ 17.



Sáng ngày 30 tháng 8 năm 1949,
trên đường đưa tài liệu từ xã Hợp Tiến về, Nguyễn Đăng Lành phát hiện
quân Pháp đang bao vây càn quét làng mình. Anh đã phát tín hiệu cho cán
bộ xuống hầm, nhường hầm của mình cho cán bộ mới về, ngụy trang cho họ
rồi về nấp ở góc ao xóm Trình. Anh bị quân Pháp phát hiện và bị tra
hỏi. Do không khai báo cho quân Pháp về các thông tin mình biết, Nguyễn
Đăng Lành đã bị tra tấn. Lính Pháp treo Nguyễn Đăng Lành lên cây xoài,
đánh đập và đưa mẹ của anh đến để tấn công về mặt tâm lý. Do vẫn không
khai báo, Nguyễn Đăng Lành được đưa về bốt Linh Xá, bị tiếp tục hỏi
cung và tra tấn bởi một quan hai Pháp cho đến lúc chết do các chấn thương của vụ tra tấn.



Ngày 25 tháng 3 năm 1997, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng anh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Đức Sáu

Đồng chí Nguyên Đức Sáu sinh năm 1921.
Sinh quán tại thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách.
Dân tộc Kinh.
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Tham gia cách mạng từ năm 1945.
Khi hy sinh là Chính trị viên huyện đội Nam Sách, quyền Bí thư huyện uỷ Nam Sách.


Sinh
ra trong một gia đình nông dân, lớn lên trên quê hương có truyền thống
đánh giặc giữ nước, đồng chí Sáu sớm giác ngộ cách mạng. Đầu năm 1945,
đồng chí tham gia Hội võ do huyện bộ
Việt Minh tổ chức. Tháng 3 năm 1945, đồng chí chỉ huy Hội võ đánh chiếm
hai thuyền lương thực của Nhật trên sông Thái Bình, chia cho dân nghèo,
hiến cho làng 1 sào ruộng làm giếng nước ăn, nay vẫn gọi là giếng Ông
Sáu. Tháng giêng năm 1946, đồng chí được kết nạp vào đảng cộng sản Việt
Nam. Năm 1951, được bầu làm phó Bí thư huyện uỷ, tháng 10 năm 1951,
quyền Bí thư huyện uỷ Nam Sách, kiêm chính trị viên huyện đội. Đồng chí
thực hiện bám đất, bám dân, sâu sát cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu
tranh chống lập tề, nhiều lần đồng chí cải trang
và làng giữ ban ngày để động viên và củng cổ tinh thần đấu tranh của
quần chúng. Đồng chí nêu cao chủ trương phá tề bằng binh vận, nội ứng,
kết quả hội tề bị tan rã từng mảng, đến cuối năm 1951, chỉ còn ở những
làng cạnh đồn giặc như: Linh Khê, Nhân Lý, Nội Hưng...cơ sở Cách mạnh
được củng cố và phát triển, được Tỉnh uỷ đánh giá là huyện dẫn đầu về
chiến tranh du kích của tỉnh, được báo cáo điển hình tại Quân khu.



Ngày
2 tháng 10 năm 1953, biết tin địch sẽ mở trận càn quét lớn vào một số
xã khu 4 của huyện hòng đánh phá các cơ quan của huyện. Do yêu cầu
nhiệm vụ, đồng chí Sáu chỉ huy phá cuộc càn quét này. Dưới sự chỉ huy
của đồng chí, lực lương ta giấu quân từ 2 giờ đêm trên bãi ngoài đê
Động Ngọ - Trắc Châu. Gần sáng, địch từ Ngã Ba Hàng tới, quân ta nổ
súng đánh chặn, diệt 70 tên, bắt sống 11 tên, thu một số vũ khí. Trời
sáng, địch tăng viện, có pháo binh và xe bọc thép yểm trợ, cuộc chiến
ngày càng ác liệt. Đồng chí Sáu bị thương vào bụng, ruột lòi ra ngoài,
đồng đội đang giúp đồng chí băng bó vết thương, thì địch đến rất gần,
đồng chí Sáu đã lệnh cho đồng chí Đới, trung đội trưởng:' Tôi không thể
đi được nữa, đừng vì tôi mà hy sinh cả hai, tôi ở lại chặn địch, đồng
chí gửi các tài liệu này cho anh em ở nhà giúp tôi', rồi đồng chí giao
tài liệu, súng ngắn đã hết đạn, bản đồ ...Nằm bên ụ đất, với 3 quả lưụ
đạn, đồng chí dũng cảm, bình tĩnh đánh địch, tạo điều kiện cho đơn vị
rút lui an toàn. Sau đó đồng chí bị địch bắt. Biết đồng chí là quyền bí
thư huyện uỷ, chúng tra tấn rất dã man nhưng
không khuất phục được đồng chí. Chúng đưa đồng chí về bệnh viện, hòng
làm con mồi bắt cán bộ ta khi đến thăm đồng chí, nhưng đều
vô hiệu. Do vết thương quá nặng, lại bị tra tấn, đồng chí Sáu đã trút
hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hải Dương ngày 20 tháng 10 năm 1953, ở
tuổi 32, để lại tấm gương sáng cho đồng chí, đồng đội noi theo.

Xét
thành tích và công lao của đồng chí Nguyễn Đức Sáu, ngày 28 tháng 4 năm
2000, Chủ tịch Nước cộng hoà XHCN Việt Nam, truy tặng đồng chí danh
hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ

Đồng chí Đỗ Chu Bỉ sinh năm 1952,
Dân tộc Kinh.
Sinh quán tại xã An Lâm, huyện Nam Sách,
Nhập ngũ.......
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Hy sinh ngày 1 tháng 3 năm 1979


Khi tuyên dương anh hùng, đồng chí ở đại đội 6, công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh, .



Ngày
1 tháng 3 năm 1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án
ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300m, cách đồn biên phòng Hoành Mô 400m.
ở vị trí quan trọng như vậy, để chiếm vị trí chốt A1, địch đã tập trung
pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4
tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình
tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng,
bắn mãnh liệt vào đội hình của địch, hàng chục tên bị tiêu diệt, sau đó
tiếp tục đánh bại hàng chục lần tiến công của địch.



Bị
thất bại nặng nề, chúng lùi lại cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa,
khi pháo chuyển làn, bộ binh lại ào ạt xông lên. Lần này chúng chiếm
được giao thông hào bên phải chốt, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy phân
đội dùng lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy địch ra khỏi
chiến hào.



Sau
thất bại của 2 lần tiến công, địch tăng viện một tiểu đoàn, chia thành
2 mũi: Một mũi đánh đồn biên phòng Hoành Mô, một mũi đánh chốt A1. Đỗ
Chu Bỉ chỉ huy cả đơn vị đánh địch cả hai hướng, diệt 20 tên. Đồng chí
bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo
dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, đồng chí tổ
chức đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Địch
liên tiếp phản công, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu và
đã hy sinh tại mặt trận.



Với
thành tích chiến đấu liên tục, ngoan cường, dũng cảm, đồng chí cùng đơn
vị lập công xuất sắc, được truy tặng Huân chương chiên công hạng nhât
và thăng quân hàm trung uý.


Ngày 19 tháng 12, năm 1979, Đỗ Chu bỉ được Chủ tịch nước cộng hoà XHCN Việt Nam truy tăng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Trung Goòng

Đồng chí Nguyễn Trung Goòng sinh năm 1916.
Sinh trú quán tại thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách.
Dân tộc Kinh.
Nhập ngũ ngày 5 tháng 2 năm 1946.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hy sinh ngày... tháng 5 năm 1950.
Khi hy sinh là chiến sĩ Đại đội 921, huyện đội Nam Sách.


Nguyễn
Trung Goòng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước,
tham gia cách mạng rất sớm. Thừa kế truyền thống của gia đình, đồng chí
sớm gia nhập tổ chức cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được
giao. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí đã thực hiện nhiều nhiệm vụ táo
bạo, nguy hiểm nhưng vẫn thành công.



Ngày
30 tháng 7 năm 1945, đồng chí tham gia phục kích, bắt tên đội Chấp khét
tiếng gian ác, có nhiều nợ máu với nhân dân, cùng đồng bọn, thu 12 súng
trường và 12 tiểu liên, được đồng đội tin tưởng, cảm phục. Chiến công
này có ý nghĩa rất lớn cho việc khởi nghĩa giành chính quyền.



Ngày
12 tháng 2 năm 1946, đồng chí gia nhập bộ đội huyện Nam Sách, thuộc Đại
đội 921. Cuối năm 1946, đồng chí cải trang làm thầy cúng, cùng 2 chiến
sĩ hộ vệ đã giết tên lính Pháp, quốc tịch Đức làm đốc công ở bến đò Cầu
Phủ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí trở về đơn vị an toàn.



Ngày
...tháng 5 năm 1950, tổ của đồng chí làm nhiệm vụ trấn giữ thôn Cõi
(Nam Sách). Bị địch tấn công, sau một tiếng đồng hồ chiến đấu ác liệt,
đồng chí tiêu diệt 8 tên địch. Nhưng do lực lượng địch quá đông, đơn vị được lệnh rút quân, nhiều đồng
đội đã rời khởi vị trí chiến đấu, riêng đồng chí bị thương. Để đồng đội
rút lui an toàn, đồng chí đã nghi binh thu hút địch về phía mình, nhờ
đó mà đồng đội rút lui an toàn, một số nhân dân cũng trốn thoát.



Vì bị thương quá nặng, đồng chí bị địch bắt. Chúng treo ngược lên
cây đa đầu làng, rồi dùng lửa thui cho đến chết. Sự hy sinh anh dũng
của đồng chí sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã thể hiện tinh thần
chiến đấu kiên cường, bất khuất trước quân thù, lòng trung thành tuyệt
đối với Đảng.



Trong
sinh hoạt, đồng chí khiêm tốn, giản dị, nhưng khi chiến đấu rất mưu
trí, gan dạ, dũng cảm, được đồng đội tin yêu, mến phục.

Đồng
chí đã được tặng thưởng Huân chương chiến công và Huân chương kháng
chiến hạng III. Với những chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng
của đồng chí, ngày 27 tháng 2 năm 2002, Chủ tịch nước đã truy tặng danh
hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng Vũ Ngọc Diệu

Đồng chí Vũ Ngọc Diệu sinh năm 1948,
Sinh quán tại xã ái Quốc, huyện Nam Sách,
Dân tộc Kinh,
Nhập ngũ tháng 9 năm 1966,
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam,

Khi
tuyên dương anh hùng đồng chí là hạ sĩ, trắc thủ ra đa, Đại đội 14,
Trung đoàn 290, Tiểu đoàn 373, Quân chủng phòng không không quân.


ở vị trí trắc thủ ra- đa, Vũ Ngọc Diệu đã cảnh giác, mưu trí, sáng tạo, phát hiện chính
xác, kịp thời 456 tốp máy bay địch, góp phần cùng đơn vị chiến đấu ở
Nghệ An, bắn rơi 300 máy bay Mỹ . Đồng chí đã góp nhiều công sức, trí
tuệ chống nhiễu tổng hợp thành công. Phát huy sáng kiến, dùng máy cũ,
dẫn đường cho không quân ta đánh thắng máy bay địch. Khi đồng chí bị
thương, vẫn dũng cảm tham gia chiến đấu. Trên vùng trời huyện Đô Lương,
Nghệ An, tháng 4 năm 1967, Vũ Ngọc Diệu cùng với trung đội trưởng phiên
ban, khắc phục nhiễu do địch gây ra, phát hiện chính xác mục tiêu, kịp
thời báo cho trung đoàn bảo vệ Đô Lương chủ động băn rơi chiếc máy bay
RA5C.



Tháng
7 năm 1967, máy bay địch bắn phá trận địa, đồng đội bị hy sinh, Vũ Ngọc
Diệu vẫn bình tĩnh, theo dõi, phát hiện chính xác các mục tiêu, báo về
sở chỉ huy kịp thời, phục vụ cho đơn vị băn rơi một máy bay.



Tháng
11 năm 1967, đơn vị dùng máy PS, loại máy tham số kỹ thuật thấp, khó
phát hiện địch từ xa, đồng chí đã nghiên cứu tính năng, tác dụng và
cách sử dụng, tự rèn luyện sử dụng thành thạo loại máy này. Khi máy bay
địch vào cách trận địa 200km, đồng chí đã phát hiện chính xác, kịp thời về sở chỉ huy, chiến đấu hiệu quả, bắn rơi nhiều máy bay địch



Ngày
7 và 8 tháng 5 năm 1967, máy bay địch tổ chức đánh lớn vào khu vực
Vinh, Bến Thuỷ, Đô Lương, Vũ Ngọc Diệu phụ trách trắc thủ số 1, cùng
đồng chí số 2, làm việc rất khẩn trương, địch cách 200m đã phát hiện
mục tiêu, phục vụ kịp thời cho đơn vị chiến đấu. Bom địch đánh cạnh
trận địa, máy bị rung, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉnh máy, phục vụ đơn vị
băn rơi một máy bay khi chúng xâm phạm vùng trời thành phố Vinh.



Ngày
18 tháng 6 năm 1968, đại đội được lệnh cơ động, khi đang thu máy, tháo
dây trời thì địch ập đến đánh phá, cấp trên quyết định dùng máy PS và
P15 đẫn đường cho không quân chiến đấu, đồng chí cùng 2 đồng đội thực
hiện khẩn trương nhiệm vụ này. Với quyết tâm' Dẫn đi là chiến thắng,
dẫn về là an toàn' Khi mở máy thì gặp nhiễu ở
cường độ 3, sóng cố định mất gần hết, không thể phát hiện địch, Vũ Ngọc
Diệu đề nghị cho đổi số và dùng biện pháp chống nhiễu tổng hợp, nhiễu
giảm dần, 2 máy hợp đồng chặt chẽ, thông báo kịp thời, cho không quân
ta chiến đấu, hạ 2 máy bay địch, trở về an toàn.



Ngày
22 tháng 7 năm 1966, địch đánh phá trận địa, đồng chí bị thương vào
tay, vẫn bình tĩnh cõng đồng đội bị thương nặng hơn ra khỏi trận địa,
rồi trở lại vị trí chiến đấu. Mặc cho địch đánh phá trận địa đến 10
lần, đồng chí vẫn bán máy, theo dõi mục tiêu, báo cáo chính xác về sở
chỉ huy.




Ngọc Diệu được thưởng một Huân chương chiến công hạng III, hai năm liền
là Chiến sĩ thi đua, năm 1968, được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng.



Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Vũ Ngọc Diệu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng Đặng Đức Song

Đồng chí Đặng Đức Song sinh năm 1934
Sinh quán : tại xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách
Dân tộc Kinh
Nhập ngũ tháng 4 năm 1952.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Khi tuyên dương anh hùng đồng chí là trung đội trưởng bộ binh, thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316

Từ năm 1952- 1954, đồng chí Song tham gia chiến đấu với nhiệm vụ liên lạc xung kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khu vực
đồng chí phòng thủ rất ác liệt, địch tiến công mạnh, lực lượng ta lại
ít, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, dìu dắt tổ tân binh lập công xuất
sắc, giữ vững trận địa. Trong trận phòng ngự tại Đồi Xanh, Đặng Đức Song đã chỉ huy tổ tân binh đánh lui hai đợt tấn
công của địch, sau đó địch dùng pháo binh bắn vào trận địa, đồng đội bị
thương nhiều, rút xuống hầm, chỉ còn đồng chí và một tân binh. Trong
hoàn cảnh khó khăn, ác liệt đó, Đặng Đức Song động viên đồng đội, bình
tĩnh chiến đấu, dũng cảm đánh lui ba đợt tiến công của địch.


Cũng
trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong trận chiến đấu ở đồi C1, đây là
trận chiến đấu ác liệt nhất, giành giật từng tấc đất với kẻ thù, lần
thứ nhất đồng chí cùng ba tân binh, vượt qua đạn pháo, nghiên cứu tình
hình địch để dẫn đơn vị lên, bị đạn làm sập hầm, đất lấp nửa người, đồng chí bị ngất, khi tỉnh dậy lại tiếp tục chiến đấu.



Lần
thứ hai, được lệnh đưa một đơn vị vào chiến đấu, bị khẩu trung liên
địch bắn chặn, đồng chí dũng cảm bò lên ném lựu đạn, diệt ổ trung liên này, mở đường cho đơn vị xung phong, sau đó đưa 6 thương binh ra khỏi khu vực nguy hiểm.



Lần
thứ ba, mặc cho pháo binh địch bắn ác liệt, biết có thể hy sinh, đồng
chí vẫn dũng cảm lên xuống 6 lần tìm đường dẫn một đơn vị vào bổ sung
chiến đấu. Bản thân đồng chí tiêu diệt 5 tên địch.



Trận đồi Mâm Xôi, ngày 3-5-1954, trước đoạn hào gần 2 km, dưới làn đạn dầy đặc của địch, Đặng Đức Song ba
ngày liền lội dưới đường hào, bùn nước ngập đến bụng, đưa đại đội
trưởng qua lại đoạn đường nguy hiểm này, nghiên cứu mở cửa đột phá. Khi
đại đội trưởng hy sinh, đồng chí cùng một chiến sỹ đưa bằng được thi hài đồng đội về phía sau.



Đồng
chí Đặng Đức Song được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng III, 4
lần được khen thưởng và được bầu là chiến sỹ thi đua của Đại đoàn 316
và được tặng thưởng Huân chương quân công hạng III.

Ngày 7-5-1956, đồng chí được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu

Đồng chí Nguyên Nhật Chiêu sinh năm 1934.
Dân tộc Kinh.
Sinh quán : tại xã Quốc Tuấn huyện, Nam Sách.
Nhập ngũ tháng 12 năm 1953.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,

Khi
tuyên dương anh hùng, đồng chí là thiếu tá, trung đoàn phó trung đoàn
không quân 927 thuộc bộ Tư Lệnh Phòng Không -Không Quân.



Từ
tháng 9 năm 1965 đến tháng 12 năm 1967, Nguyễn Nhật Chiêu đã xuất kích
13 lần, lần nào cũng dũng cảm, mưu trí, kiên quyết tiến công địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Nguyễn Nhật Chiêu đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ và chỉ huy phân đội bắn rơi 8 chiếc khác.



Ngày
20 tháng 9 năm 1965, trên vùng trời Hà Bắc, Nguyễn Nhật Chiêu lái chiếc
Mic17 xông thẳng vào đội hình 5 máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc
F105. Khi bay về gần sân bay thì máy bay của đồng chí hết nhiên liệu. Nguyễn Nhật Chiêu bình tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh an toàn.



Trong
trận đánh 36 máy bay Mỹ từ nhiều hướng, nhiều tầng vào Hà Nội, ngày
28-3-1967. Đồng chí cùng biên đội nhanh chóng cho máy bay tăng tốc độ
và độ cao, xông thẳng vào đội hình địch. Nguyễn Nhật Chiêu đã bắn
một quả tên lửa chính xác hạ một máy bay địch, và yểm hộ cho biên đội
bắn rơi 1 chiếc khác, đội hình địch rối loạn, đồng chí nhanh chóng bám
sát đội hình địch phóng tiếp một quả tên lửa hạ thêm một chiếc máy bay địch nữa.



Ngày 29-10-1967, trên vùng trời Hưng Yên. Nguyễn Nhật Chiêu bị 4 máy bay địch bao vây, ở thế bất lợi, đồng chí vẫn bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tiến công. Phóng chính xác 1 quả tên lửa diệt một chiếc F4 của địch, ba chiếc còn lại hốt hoảng bỏ chạy.



Năm 1972, với cương vị là trung đoàn phó, trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu 10 trận với tinh thần mưu trí dũng cảm, xử trí tình huống linh hoạt, do đó đơn vị đồng chí bắn rơi 6 máy bay Mỹ.



Nguyễn Nhật Chiêu còn luôn luôn đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, đồng chí lái thành thạo hai loại máy bay Mic 17 và Mic 21- ở cương vị chỉ huy, đồng chí còn tích cực dìu dắt anh em nhanh chóng nắm vững và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.



Nguyễn Nhật Chiêu đã được tặng thưởng một Huân chương quân công hạng III, một Huân chương chiến công hạng II, một Huân chương chiến công hạng III.



Ngày 31 tháng 12 năn 1973, đồng chí được Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hoà tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.